Dịch COVID-19 đang có những diến biễn hết sức phức tạp, đặc biệt bùng phát mạnh ở Mỹ và các nước châu Âu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất chủ yếu là các nước châu Âu (Ý, Pháp, Đức,...) nơi có đông đảo du học sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập. Công việc chính của họ là làm bồi bàn, phục vụ tại các quán ăn nhanh, hay bán hàng tại các cửa tiệm của người châu Á.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, Chính phủ các nước này đã ra chỉ đạo phong toả toàn quốc, đóng cửa toàn bộ các cửa hàng và yêu cầu người dân ở nhà để tránh việc lây nhiễm trong cộng đồng. Hệ quả là phần lớn du học sinh bị mất việc làm thêm, không có nguồn thu nhập để trang trải phí sinh hoạt đắt đỏ, chưa kể dịch bệnh còn làm cho sự kì thị đối với người châu Á trở nên gay gắt khiến nhiều du học sinh người Việt không khỏi lo lắng.
Nguyễn Tuấn Đạt - du học sinh tại Ý cho biết phải vay tiền bạn bè và xin hỗ trợ từ phía gia đình để tiếp duy trì cuộc sống cho đến khi dịch được kiểm soát, các hàng quán mở cửa trở lại.
Tại Ý, các quán ăn, hội chợ đều tạm thời dừng hoạt động, nhiều du học sinh tại Ý rơi vào tình trạng mất việc làm, buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ từ phía gia đình.
Nguyễn Tuấn Đạt - du học sinh tại Ý chia sẻ: "Ở Ý rất hay có các hội chợ châu Á, thường sẽ họp 1-2 tuần/1 lần tại mỗi thành phố khác nhau, công việc của mình là bán hàng trong các hội chợ này. Tuy nhiên do dịch COVID-19 bùng phát quá mạnh tại Ý, các hội chợ đều bị huỷ nên mình không thể đi làm nữa. Ngoài ra mình cũng làm việc tại một cửa tiệm bán đồ ăn và hamburger nhưng giờ cũng đã đóng cửa hết rồi.
Bị mất việc làm, mình phải vay tiền bạn bè, sau đó xin hỗ trợ từ gia đình để duy trì cuộc sống cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Hiện số người mắc ở Ý đã giảm dần, nhưng nếu dịch tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, có thể mình sẽ quay về sống cùng bố mẹ. Trong khoảng thời gian này, mình nghĩ mọi người nên ở nhà và tiếp tục học tập, mình tranh thủ tìm hiểu thêm về video và làm Youtube trong thời gian nghỉ dịch dài này."
Tại Đức - quốc gia đứng thứ 4 thế giới về số người mắc COVID-19, du học sinh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn dù hệ thống y tế của Đức đang rất nỗ lực triển khai các biện pháp kiểm soát dịch.
Phương Thảo - du học sinh Việt Nam tại TP. Munich cho biết: " Vì dịch bệnh, hầu hết các cửa hàng ở thành phố mình đều đóng cửa và chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại, mình tạm thời bị mất việc làm thêm trong vòng 3 tháng. Cuối tháng vừa rồi mình đã phải trả nhà trọ, tiền sinh hoạt cũng gần như không có. May mắn là mình có người nhà ở bên này giúp đỡ, nếu không cũng rất khó để tồn tại qua mùa dịch này." .
Trước đây, khi thu nhập từ việc làm thêm ổn định, Thảo có thể vừa trang trải tiền nhà trọ và phục vụ nhu cầu hằng ngày như mua sắm, vui chơi,...
Cùng chung hoàn cảnh với Phương Thảo, Vũ Châm Anh (du học sinh Việt Nam tại CH Séc) chia sẻ: "Trước đây, thu nhập từ việc làm thêm của mình tính ra được khoảng 10.000.000 VNĐ, chi phí cho ăn uống, thuê nhà cũng gần hết nên mình tự lập và không phải xin bố mẹ. Từ khi có dịch COVID-19, mình bị mất việc hơn 1 tháng nay nên cực kì tiết kiệm, không dám ăn uống xa xỉ như trước mà chỉ ăn cơm, mì tôm,... cũng may mắn là thực phẩm ở Séc khá rẻ. Vì có một khoản tiết kiệm nhỏ, nên hiện tại mình vẫn có thể tự lo được, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài từ 2 đến 3 tháng nữa, chắc chắn mình sẽ phải xin hỗ trợ từ phía gia đình." .
Vũ Châm Anh - du học sinh tại CH Séc cho biết bị mất việc hơn 1 tháng nay nên cực kì tiết kiệm, không dám ăn uống xa xỉ như trước mà chỉ ăn cơm, mì tôm,...
Tại CH Séc, các địa điểm đông người qua lại như quảng trường, các tuyến phố trung tâm đều trở nên vắng vẻ do mùa dịch Covid-19.
Tại Anh - nơi có chi phí sinh hoạt thuộc vào hàng đắt đỏ nhất châu Âu cũng là nơi dịch COVID-19 đang trong tình trạng mất kiểm soát với hơn 5000 ca nhiễm mới, các du học sinh đang phải đối mặt với rất nhiều gánh nặng kinh tế. Liên Phương - du học sinh tại Anh cho biết: "Mình đã sang Anh được 6 tháng và công việc làm thêm của mình mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, theo chỉ đạo của Chính phủ Anh, toàn bộ các nhà hàng đều phải đóng cửa, thu nhập không còn nhưng việc trang trải cho cuộc sống vẫn phải tiếp tục, may mắn là mình vẫn được một khoản hỗ trợ nhỏ hằng tháng, cũng giảm bớt đỡ phần nào áp lực về kinh tế lúc này."
Ở các quốc gia châu Á, hoàn cảnh của du học sinh cũng không hề có sự khởi sắc, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, để hạn chế tụ tập đông người, các quán nhậu, quán ăn cũng buộc phải đóng cửa.
Tại Nhật, do phương tiện di chuyển chủ yếu là tàu điện ngầm, khá đông đúc trong giờ cao điểm nên rất khó kiểm soát dịch bệnh. (Ảnh minh hoạ)
Đinh Thị Yến - du học sinh Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản chia sẻ: "Trước đây mình có làm phục vụ bàn tại 2 điểm, một quán cơm bình dân và một quán nhậu, nhưng hiện tại phần lớn các quán nhậu đều đóng cửa nên mình buộc phải thôi việc, thu nhập cũng bị giảm đi hẳn một nửa. Trong khi đó, chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước vẫn giữ nguyên khiến mình phải thắt chặt chi tiêu, bỏ hẳn việc mua sắm và chỉ chi tiêu cho việc ăn uống, giữ gìn sức khoẻ." .
Yến cũng cho biết dù hạn chế tụ tập, nhưng do mùa dịch trùng với mùa hoa anh đào nở, nên một số người vẫn ra đường ngắm hoa mà không đeo khẩu trang, cộng với việc phương tiện đi lại chủ yếu ở Nhật là tàu điện ngầm, khá đông đúc trong giờ cao điểm khiến cho nguy cơ lây nhiễm càng tăng cao.
Có thể nói, chưa khi nào du học sinh Việt Nam lại lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện tại, không thể về nước, cũng không thể đi làm, buộc phải tự chăm sóc bản thân và đợi chờ may mắn. Trong lúc này, sự hỗ trợ từ cộng đồng du học sinh, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài cũng như Đại sứ quán Việt Nam vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Tại Hàn Quốc, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn đã gửi lời kêu gọi đến các Hội người Việt Nam đang sinh sống tại đây, cùng chung tay, góp sức, quyên góp, ủng hộ lương thực, khẩu trang cho các bạn du học sinh. Tại Đức và Pháp, Đại sứ quán Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ các du học sinh khi các bạn chủ động liên lạc, đảm bảo rằng phiên dịch trong cuộc chiến chống COVID-19 sẽ không một ai bị bỏ lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét